0901 325 666

Mang thực phẩm sạch vào bếp ăn công nghiệp

Đưa thực phẩm sạch đến các bếp ăn công nghiệp, không chỉ giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm, mà còn thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với sức khỏe người lao động.
Trên tinh thần này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên chợ nông sản giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn đến bếp ăn tập thể tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) trên địa bàn thành phố.


Ngắm nhìn các sản phẩm rau, trứng, thịt… được giới thiệu tại phiên chợ nông sản an toàn của Sở NN - PTNN, Giám đốc Công ty may Thành Danh (quận 2) Nguyễn Thành Danh tỏ ra thích thú. Ông cho biết: “Chúng tôi có bố trí bếp ăn tại chỗ. Tuy nhiên, thực phẩm vào bếp ăn của công ty chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người phụ trách bếp và sự tin tưởng giữa người bán, người mua mà chưa có phân tích, kiểm nghiệm mẫu đầu vào. Với suất ăn 50 người/ngày, không lớn so với nhiều doanh nghiệp khác nhưng tôi hy vọng sẽ kết nối được với người trồng rau cũng như cơ sở có sản phẩm an toàn”.

Không phải công ty, doanh nghiệp nào cũng có bếp ăn như của Công ty may Thành Danh. Do đó, họ phải đặt suất cơm từ các cơ sở, công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp. Ở những bếp ăn này, thực phẩm được cung cấp như thế nào, có an toàn hay không thì không ai dám bảo đảm. Đại diện HTX Nông nghiệp SX-TM-DV Phước An (huyện Bình Chánh) cho biết: “HTX chuyên cung cấp thực phẩm cho các hệ thống siêu thị lớn tại TP Hồ Chí Minh, có thương hiệu và được cơ quan chức năng cấp chứng nhận về cung cấp sản phẩm sạch; thế nhưng khi tiếp cận với bếp ăn các KCX-KCN, HTX cũng gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó, việc kiểm soát thực phẩm khi đưa vào chế biến tại doanh nghiệp nước ngoài rất chặt chẽ. Trong quá trình thực hiện chỉ cần sơ suất nhỏ có thể mất cơ hội làm ăn”. Ông Nguyễn Trí Công, chủ trại heo VietGAP Trí Công (huyện Hóc Môn) bày tỏ: “Tôi đã nhiều lần giới thiệu thịt heo sạch của mình đến nhiều cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp trên địa bàn thành phố nhưng gần như không ký kết được hợp đồng nào. Lý do, những cơ sở này phải bỏ thầu với giá cạnh tranh để lấy được hợp đồng cung cấp suất ăn, cho nên phải sử dụng thịt heo “kém phẩm” để có giá rẻ nhằm kiếm lời”.

Những suất ăn sạch, bảo đảm chất lượng luôn là mong muốn của công nhân.
Trong ảnh: Một nhà ăn phục vụ công nhân lao động tại Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức).

Phó trưởng Ban quản lý các KCX-KCN TP Hồ Chí Minh Phạm Huy Thông thừa nhận: “Hiện có khoảng 100 bếp ăn công nghiệp tại KCX-KCN, trong đó có nhiều dạng như nấu tại chỗ, đặt bên ngoài… Mức ăn có khi từ 15 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng/suất. Tuy nhiên, có nhiều DN suất ăn chỉ 13 nghìn đồng. Với mức này, các bếp ăn rất khó để tiếp cận thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP được giới thiệu tại buổi kết nối này”. Một cán bộ Sở Lao động -Thương binh và Xã hội thành phố bày tỏ, với giá cả như hiện nay, bữa cơm công nhân tối thiểu phải ở mức 15 nghìn đồng, nếu chỉ 12 đến 13 nghìn đồng/suất như ở một số doanh nghiệp đang áp dụng sẽ không thể bảo đảm về chất lượng. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động và cũng ảnh hưởng tới chính doanh nghiệp. Vì vậy, theo tôi cần có quy định về định lượng khẩu phần ăn tối thiểu, đồng thời có chế tài để các đơn vị này phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện bữa ăn cho công nhân đang làm việc.

Theo kết quả khảo sát về bữa ăn ca của công nhân tại các KCX-KCN trong cả nước vừa được Viện Công nhân - Công đoàn công bố, bữa ăn công nhân chất lượng thấp, thiếu hụt dinh dưỡng. Trong khẩu phần ăn chỉ có 12% prô-tê-in, 16% chất béo, còn lại 72% các chất bột đường. Từ bữa ăn thiếu dinh dưỡng, tỷ lệ công nhân bị thiếu máu chiếm 24,6%. TP Hồ Chí Minh hiện có gần 4,1 triệu người lao động sử dụng suất ăn, khoảng 280 nghìn lao động trong KCX-KCN sử dụng suất ăn hằng ngày. Thực phẩm tại các KCX-KCN được cung cấp từ 71 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 67 bếp ăn tập thể hợp đồng thuê nấu, ba cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Tuy nhiên, do nguồn gốc nguyên liệu, quy trình chế biến chưa chặt chẽ, có tình trạng buông lỏng chất lượng dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người lao động. Do đó, thành phố triển khai giám sát nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho các KCX-KCN và tổ chức phiên chợ nông sản sạch. Sở NN-PTNT thành phố trực tiếp huy động các nguồn lực, tiến hành kiểm tra định kỳ, để bảo đảm cung cấp ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch, các chỉ số được kiểm soát trong mức an toàn với sức khỏe con người.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Nguyễn Văn Trực cho biết: “Hiện, vẫn còn nhiều sản phẩm không an toàn, giá rẻ bán tràn lan làm ảnh hưởng đến đời sống người sản xuất, sức khỏe cộng đồng, trong đó có lực lượng công nhân lao động. Chương trình kết nối là nhịp cầu giúp nhà cung cấp và nhà tiêu thụ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tăng cường tìm kiếm đối tác, tiếp cận mở rộng thị trường. Thông qua chương trình, góp phần khuyến khích các đơn vị cải tiến sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm hướng tới thị trường tiêu thụ trong nước ổn định”.

Ngoài giới thiệu nguồn cung ứng thực phẩm sạch, trong thời gian qua, Sở NN-PTNT thành phố còn tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn vận chuyển, chế biến thức ăn cho các bếp ăn công nghiệp với mục đích tạo ra bữa ăn sạch, bảo đảm dinh dưỡng cho người lao động. “Đây là chương trình tiền đề, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những buổi giới thiệu thực phẩm sạch đến các KCX-KCN, các cơ sở kinh doanh, cung cấp suất ăn trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Trực khẳng định.
Đang tải bình luận,....

Xem thêm