0901 325 666

Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất – kinh doanh thực phẩm

Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất – kinh doanh thực phẩm

+ Đó là chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018 vừa được Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP triển khai. Đây là chỉ đạo trọng tâm, quyết liệt trong việc chuyển giao cách quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo tinh thần Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Từ Quốc Tuấn, Nghị định 15 của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất – kinh doanh (SXKD) là đồng nghĩa với việc cơ sở SX, doanh nghiệp (DN) KD thực phẩm phải tự nâng cao ý thức, vai trò trách nhiệm trong SX, luôn đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật như chính sự đăng ký, tự công bố chất lượng đến cơ quan chức năng và trong cộng đồng người tiêu dùng.


Người tiêu dùng nên ủng hộ các đơn vị cam kết đảm bảo chất lượng

Nếu như trước đây, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thì đơn vị thường chuẩn bị những mẫu kiểm tốt nhất để có được đánh giá tốt, được chứng nhận đảm bảo ATTP thì nay cơ quan chức năng sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý vi phạm ngay, nếu DN SX thực phẩm không thực hiện đúng quy chuẩn như đã tự công bố.

Đây chính là cách DN khẳng định uy tín, thương hiệu, tự nâng cao chất lượng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Một tín hiệu vui gần đây chính là các loại trái cây, rau an toàn của một số tỉnh , thành phố ĐBSCL được đặt hàng xuất khẩu, điều này chứng tỏ các DN đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, vượt qua được hàng rào kỹ thuật,  như: không có dư lượng chất độc hóa học, không có chất kích thích, đảm bảo kích cỡ theo phương pháp tự nhiên.

Với chính những cam kết SX thực phẩm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, cơ sở SXKD thực phẩm sẽ dần lấy lại niềm tin của khách hàng và hưởng được lợi ích lâu dài hơn so với cách SX chạy theo số lượng.

Do Nghị định 15 vẫn còn khá mới mẻ nên Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP tỉnh đã nỗ lực triển khai đến các tuyến huyện, thị xã, thành phố. trong Tháng hành động (từ ngày 15-4 đến 15-5), ban chỉ đạo yêu cầu các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trong cộng đồng vì đây là vấn đề nhận thức.

Trong các lễ phát động Tháng hành động, hệ thống các ngành có liên quan như: y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn phải có những việc làm cụ thể nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP, đề cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATTP tại các cơ sở SXKD thực phẩm, nhất là tại các cơ sở KD nhỏ lẻ, các làng nghề; tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan pháp lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở SXKD thực phẩm.

Cùng với việc tăng cường hậu kiểm trực tiếp tại các cơ sở, DN, Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP tỉnh yêu cầu các Ban chỉ đạo tuyến dưới tăng cường kiểm tra tại các điểm KD, buôn bán thực phẩm, các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học, trong các lễ hội lớn của tỉnh,  như: lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, dịp Tết Trung thu…chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.

Để có được ATTP, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, các quy định mới được thực thi, các chế tài mạnh mẽ được áp dụng và hơn hết là sự tự ý thức trách nhiệm, cam kết SXKD thực phẩm đảm bảo chất lượng của các DN.

Đây là yếu tố then chốt để doanh nghiệp đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế. Điều đó góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội bền vững, tạo dựng thương hiệu du lịch với những sản phẩm an toàn, chất lượng.

Đang tải bình luận,....

Xem thêm